Môi trường, báo động
Từ khi tái lập tỉnh đến nay (1/4/1992), với việc hướng vào khai thác tiềm năng, những lợi thế, Ninh Bình đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ, tăng trưởng kinh tế - văn hóa - xã hội và xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, do chưa có quy hoạch hợp lý, các khu công nghiệp nằm xen kẽ khu dân cư làm ảnh hưởng đến việc xử lý các chất thải. Công nghiệp Ninh Bình đa số nhỏ bé, thiết bị cũ lạc hậu, có tới 70% thiết bị thời gian sử dụng trên 20 năm; hạ tầng, đường giao thông, hệ thống cấp thoát nước không đảm bảo thường bị úng lụt vào mùa mưa bão, ô nhiễm bụi nước mặt; khai thác tài nguyên khoáng sản, sử dụng không hợp lý dẫn đến ảnh hưởng cảnh quan môi trường và lãng phí tài nguyên.
Tại khu vực TP. Ninh Bình và vùng phụ cận, hoạt động của các nhà máy sản xuất, cầu cảng, cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, nung vôi đóng gạch thủ công… Mật độ giao thông trên tuyến đường 1A lớn, phát sinh tiếng ồn và khí thải; nước sông Vân và các hồ ở nội thành TP. Ninh Bình đang bị ô nhiễm, có chiều hướng gia tăng do toàn bộ lượng nước thải của thành phố chưa được xử lý đổ ra trực tiếp... Ngoài ra, trong quá trình khai thác đá, nhiều doanh nghiệp thải khói bụi, nếu không được quy hoạch kịp thời và quản lý chặt chẽ sẽ phá hủy cảnh quan kỳ thú của thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường. Đã có 8 doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường phải di dời ra khỏi các khu du lịch của tỉnh Ninh Bình.
Chưa có thuốc "Chữa" tốt...
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình – Chu Thanh Hà cho biết: Trong thời gian tới tỉnh sẽ tập trung triển khai hệ thống các giải pháp để cải thiện môi trường. Trong đó, việc kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về môi trường, đảm bảo đủ năng lực (nhân sự và chuyên môn) hoạt động sẽ được coi trọng. Hiện nay, bộ phận quản lý môi trường trong tỉnh đang trong tình trạng quá tải, do khối lượng công việc cũng như tính chất phức tạp của công tác môi trường. Việc hoàn thiện bộ máy cả về số lượng lẫn chất lượng chuyên môn là rất cần thiết. Trong đó cấp tỉnh, thành phố, Sở Tài nguyên – Môi trường quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; các sở, ngành khác sẽ phải có trung tâm hay phòng bảo vệ môi trường. Theo hệ thống quản lý này, tỉnh chủ trương nghiên cứu để hoàn thiện về cơ chế, bộ máy quản lý môi trường có sự phối hợp chặt chẽ của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và sự chỉ đạo chặt chẽ của UBND tỉnh, thực hiện đa dạng hóa nguồn đầu tư bảo vệ môi trường... Tuy nhiên, những “bài thuốc” chữa của Ninh Bình như trên xem ra chỉ là “thuốc” chữa thông thường, chưa thể tạo ra bước ngoặt về cải tạo cảnh quan, môi trường ở đây.